Bộ Luật Nhiễu Sự Của Thảo [28 Rules For Life by Thao]

Nếu (chẳng may) Thảo ra sách thì đây sẽ là bìa sách.


Cảm hứng biên soạn bộ luật này được lấy từ bộ sách 488 Rules For Life của Kitty Flanagan, mình vừa đọc, và cuốn sách này của Flanagan được lấy cảm hứng từ cuốn 12 Rules For Life của Jordan B. Peterson. Sách của Peterson với câu dẫn là An Antidote To Chaos, tạm dịch là Liều thuốc giải cho thế sự hỗn loạn. Mình chưa đọc cuốn này, nhưng thấy bán được hơn ba triệu cuốn trong vòng một năm và được nhiều nhận xét mỹ miều thì chắc là phải thứ dữ. Bạn nào muốn tìm hiểu 12 luật này là cái gì thì hoặc mua sách đọc, hoặc vào đây xem hình.


Sách của Flanagan có câu dẫn là An Antidote To Stupidity khi mình xem trên mạng ở các trang tìm kiếm, nhưng sách mình mua về thì là The Thankless Art Of Being Correct, tạm dịch là Nghệ Thuật Luôn Luôn Đúng Và Không Cần Cám Ơn.

Khác với Luật Hình Sự và Luật Dân Sự, không ai bị bắt buộc phải tuân theo các luật nhiễu sự này của Thảo, nhưng nếu thêm được vài người tuân theo thì thế giới quanh ta có thể sẽ tươi đẹp hơn nhiều. Bạn hoàn toàn có quyền không đồng ý với các điều luật này, và Thảo hoàn toàn không có ý định tranh luận với bạn xem ai đúng. 

#1 

Đồ ngủ không phải là đồ mặc đi công viên tập thể dục

Luật này áp dụng cho trẻ em, nam thanh và nữ tú. Không áp dụng cho người cao tuổi, các cụ là ngoại hạng, cứ vui với đời là được.

#2 

Không bao giờ hỏi mượn sách của người khác

Trừ khi bạn tỏ rõ là bạn rất thích một cuốn nào đó, và chủ sách chủ động ngỏ ý cho mượn. Trong trường hợp đó, bạn phải hẹn trước thời gian trả và trả đúng hạn. Luật quốc tế chuẩn là 1 tháng.*

Người đọc sách thường là rất quý sách, sẽ không ai cho mượn tùy tiện. Nếu được mượn mà không trả đúng hạn, hoặc làm sách bẩn, rách..., kết cục thường là tan vỡ. 

*Mình chém gió đó, luật này mình tự đưa ra.

#3 

Không gắp lửa bỏ tay người, à nhầm, không gắp đồ ăn cho người khác

Một là ai muốn ăn gì họ tự lấy, mình tự ý gắp cho người khác mà phải món họ không thích, miếng họ không ưa (người ta thích đùi gà mà gắp cho người ta phao câu) hoặc họ bị dị ứng không ăn được có phải dở không. 

Hai là mất vệ sinh. Đũa ai nấy ăn, không phát tán vi khuẩn của mình sang người khác, dù cho có là người thân, người nhà đi nữa. Cái đất nước căn cố văn hóa ăn đũa gắp cùng như Trung Quốc mà giờ cũng phải thay đổi rồi. Việt Nam chả lẽ thua?

#4

Không xới, lật, đào, chọn lựa đồ ăn trong đĩa chung bằng đũa riêng của mình

Nhìn miếng nào ưng mắt mà trong tầm với thì gắp luôn, làm ơn. Vi khuẩn. 

#5 

Không chấm chung chén nước chấm

Luật này liên quan đến luật #4 và #5. Giờ phải nên học hỏi cách ăn ở nhà hàng quán nhậu, mỗi người một chén chấm riêng nhỏ xíu. Của ai nấy chấm, có lỡ dây vào đó bao nhiêu nước bọt cũng không sao.

#6 

Không dùng điện thoại trong bàn ăn

Nếu đang chờ điện thoại gấp của ai đó thì có thể để điện thoại gần mình trước khi vào bữa ăn. Ngoài ra, nên tắt chuông và tập trung 100% năng lượng và tinh thần của bạn vào bàn ăn, thưởng thức món ăn, chuyện trò với những người cùng bàn, đặc biệt nếu đó là người thân, gia đình, vợ chồng, con cái bạn đang ngồi cùng bàn. Khi có điện thoại lúc đang ăn thì mang máy ra chỗ khác nói chuyện, không trả lời điện thoại khi đang ngồi trong bàn ăn. Mọi người ngồi cùng bàn không có nhu cầu nghe cuộc hội thoại của bạn.

#7 

Không dùng điện thoại khi đang lái xe

Điều luật này không phải giải thích. Bất kể là xe gì nếu đang lưu thông trên đường đều áp dụng. Cấm cãi.

#8

Quẹo, rẽ bên nào thì bấm xi-nhan bên đó

Thuộc dạng hiển nhiên nhưng nhận thấy vẫn cần phải đưa vào luật dựa trên những trớ trêu thực tế.

#9

Cần đi thang máy hướng nào thì bấm mũi tên hướng đó

Cần đi xuống thì bấm mũi tên xuống, và ngược lại.

#10

Không được khỏa thân trong thang máy khu dân cư

Luật này áp dụng chủ yếu cho nam giới, chưa ghi nhận trường hợp nào cần nhắc nhở nữ giới. Nhóm cư dân nhà mình vừa đăng ảnh một anh bụng bia bóng lưỡng cỡ bầu 15 tháng tông hống trong thang máy. May mà người chụp có tâm không lấy mặt. 
Thuộc dạng hiển nhiên nhưng nhận thấy vẫn cần phải đưa vào luật dựa trên những trớ trêu thực tế.

#11

Xếp hàng ở nơi công cộng

Thuộc dạng hiển nhiên nhưng nhận thấy vẫn cần phải đưa vào luật dựa trên những trớ trêu thực tế.

#12

"Nhé" hoặc "ạ", không "nhé ạ"

Không hiểu cái nhé ạ này ở đâu ra. Nghe rất ngứa tai và nhìn nhận cho công bằng thì vô nghĩa. Làm ơn bỏ.

#13

Không đeo balo cồng kềnh trong không gian hẹp

Thang máy đông người, xe buýt, máy bay... Đặc biệt với tàu, phà, hành khách (ở ngước ngoài) thường được nhắc nhở không đeo balo trên vai khi đi phà, phòng trường hợp chìm phà thì hành khách có thể tự bơi tiếp hoặc nổi mà không bị balo kéo chìm.

#14

Không để trẻ con ở nơi công cộng một mình

Thuộc dạng hiển nhiên nhưng nhận thấy vẫn cần phải đưa vào luật dựa trên những trớ trêu thực tế.

#15

Nhân viên cứu hộ hồ bơi không phải là người trông trẻ

Có một số ba mẹ nghĩ là nhân viên cứu hộ hồ bơi phải kiêm luôn giữ con cho họ, rồi họ thả con ở hồ bơi một mình, đi chỗ khác chơi hoặc ở trên nhà mà không đi theo trông con, và còn tỏ ra bất bình một cách thình lình khi được nhắc nhở kiểu "Mày trực ở đấy làm gì?". What the hell?

#16

Chỉ xin thông tin từ người khác khi bạn biết chắc không thể tự tìm thấy thông tin đó trên mạng

Đừng hỏi ai đó kiểu chị ơi, chị có thể gửi giúp em tài liệu cho thấy Donald Trump năm nay bao nhiêu tuổi được không ạ? Câu trả lời của Thảo sẽ là "Được em, nhưng chị không có rảnh."

#17

Không tự ý nựng trẻ con nhà người khác

Thuộc dạng hiển nhiên nhưng nhận thấy vẫn cần phải đưa vào luật dựa trên những trớ trêu thực tế.

#18

Không xõa tóc thề lòa xòa khi xuống hồ bơi

Luật đặc biệt quan trọng đối với chị em phụ nữ. Một là đội mũ bơi, hai là cột tóc lên cho gọn. Không có gì gớm bằng đang bơi mà thấy vài sợi tóc thề của các chị nổi lềnh bềnh trên mặt nước.

#19

Không (bán) khỏa thân khi đi tập thể dục ngoài công viên

Luật đặc biệt quan trọng đối nam thanh niên, các anh, các chú, các bác không giới hạn độ tuổi. Không ai có nhu cầu ngắm bụng mỡ của các vị. Ngoại lệ duy nhất cho nam giới sáu múi. My blog, my rule.

#20

Không hỏi trẻ con là con nhớ bác này không, con nhớ ông kia không

Bọn nó mà nhớ sẽ tự chào. Bọn nó không nhớ có phải ngượng không?

#21

Chờ cho những người trong thang máy đi ra hết rồi mới bước vào

Không gì duyên bằng chen vào thang trong khi những người vừa trong thang đang cố đi ra.

#22

Đậu xe đúng ô

Nghiên cứu cho thấy khả năng xác định khoảng cách tương đối của nhiều người rất tệ, nên các bãi xe thường có kẻ sẵn ô, bạn chỉ cần nhìn và chui vào đúng ô đó. Còn đã có ô và vẫn đậu ngay vạch giữa hai ô thì bạn thật là ngoại hạng.

#23

Không ngoáy mũi nơi công cộng hoặc trước mặt người khác

Làm ơn.

#24

Không nói/viết trộn lẫn tiếng Anh khi đang giao tiếp tiếng Việt

Bạn không bán ốc lẫn ở phố Lương Định Của Hà Nội mà bạn là người Việt đang nói tiếng Việt. "Em có một cái offer rất tốt này, chị có time cho em nửa tiếng em sẽ present cho chị xem rồi chị feedback với em được không chị?" Ôi, làm ơn! Có những bạn trẻ nói một câu hai mươi từ thì hết gần nửa là chèn tiếng Anh (phát âm kiểu Việt) vào rồi. Nói như vậy không thể hiện bạn giỏi ngoại ngữ mà chỉ thể hiện bạn lười suy nghĩ thôi.

#25

Gửi e-mail, không phải gửi mail

Gửi mail là gửi thư viết tay qua đường bưu điện.

#26

Không ngụy biện thay cho người khác

"Xin lỗi anh, chắc tại dạo này sếp em bận quá không trả lời điện thoại anh được."

#27

Không tranh luận quan điểm, ý kiến cá nhân

Quan điểm cá nhân của mỗi người cần được tôn trọng, cho dù khác với ta. "Tao thấy nhà hàng đó không ngon, sao mày bảo dở?"


#28

Không chen lên khi xếp hàng ở nơi công cộng

Làm ơn.

[Còn tiếp]

🅣

Comments

Most Viewed Notes